Thuế nhà thầu là gì? Cách hạch toán thuế nhà thầu chuẩn thông tư 200

Cách hạch toán thuế nhà thầu chuẩn thông tư 200

Mục lục

Thuế nhà thầu là gì, gồm những loại thuế nào, có được tính vào chi phí tính thuế thu nhập doanh nghiệp, có được khấu trừ thuế giá trị gia tăng không? Khi nào phát sinh nghĩa vụ nộp thuế nhà thầu? Đây là những câu hỏi được nhiều kế toán quan tâm.

Qua bài viết ARITO trình bày quy định trong xác định đối tượng áp dụng, các phương pháp tính thuế đối với nhà thầu, các lưu ý về khấu trừ và tính vào chi phí, và hướng dẫn cách hạch toán kế toán thuế nhà thầu.ARITO hy vọng các bạn nhận được nhiều kiến thức, thông tin hữu ích từ bài viết.

1. Một số khái niệm “Thuế nhà thầu”, hợp đồng nhà thầu, Bên Việt Nam

1.1. Thuế nhà thầu là gì?

Thuế nhà thầu không phải là một loại thuế riêng biệt mà là một số loại thuế mà Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài có nghĩa vụ phải nộp khi sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập phát sinh từ cung ứng dịch vụ hay dịch vụ gắn với hàng hóa tại Việt Nam trên cơ sở hợp đồng nhà thầu, hợp đồng nhà thầu phụ.

1.2. Hợp đồng nhà thầu, hợp đồng nhà thầu phụ

“Hợp đồng nhà thầu” là hợp đồng, thỏa thuận hoặc cam kết giữa Nhà thầu nước ngoài và Bên Việt Nam.

“Hợp đồng nhà thầu phụ” là hợp đồng, thỏa thuận hoặc cam kết giữa Nhà thầu phụ và Nhà thầu nước ngoài. Nhà thầu phụ gồm Nhà thầu phụ nước ngoài và Nhà thầu phụ Việt Nam.

1.3. Bên Việt Nam

“Bên Việt Nam” là tổ chức được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam, tổ chức đăng ký hoạt động theo pháp luật Việt Nam, tổ chức khác và cá nhân sản xuất kinh doanh: mua dịch vụ, dịch vụ gắn với hàng hóa hoặc trả thu nhập phát sinh tại Việt Nam trên cơ sở hợp đồng nhà thầu hoặc hợp đồng nhà thầu phụ; mua hàng hóa theo hình thức xuất nhập khẩu tại chỗ hoặc theo các điều khoản thương mại quốc tế (Incoterms); thực hiện phân phối hàng hóa, cung cấp dịch vụ thay cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam.

2. Đối tượng áp dụng thuế nhà thầu 

2.1 Đối tượng áp dụng thuế nhà thầu

Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài: là tổ chức nước ngoài có cơ sở thường trú tại Việt Nam hoặc không có cơ sở thường trú tại Việt Nam; cá nhân nước ngoài kinh doanh là đối tượng cư trú tại Việt Nam hoặc không là đối tượng cư trú tại Việt Nam:

thuế nhà thầu
Hình : Đối tượng áp dụng thuế nhà thầu
  1. Tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập phát sinh tại Việt Nam trên cơ sở hợp đồng, thỏa thuận, hoặc cam kết giữa Nhà thầu nước ngoài với tổ chức, cá nhân Việt Nam hoặc giữa Nhà thầu nước ngoài với Nhà thầu phụ nước ngoài để thực hiện một phần công việc của Hợp đồng nhà thầu; 
  2. Tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp hàng hóa tại Việt Nam theo hình thức xuất nhập khẩu tại chỗ và có phát sinh thu nhập tại Việt Nam trên cơ sở Hợp đồng ký giữa tổ chức, cá nhân nước ngoài với các doanh nghiệp tại Việt Nam (trừ trường hợp gia công và xuất trả hàng hóa cho tổ chức, cá nhân nước ngoài) hoặc thực hiện phân phối hàng hóa tại Việt Nam hoặc cung cấp hàng hóa theo điều kiện giao hàng của các điều khoản thương mại quốc tế – Incoterms mà người bán chịu rủi ro liên quan đến hàng hóa vào đến lãnh thổ Việt Nam;
  3. Tổ chức, cá nhân nước ngoài thực hiện một phần hoặc toàn bộ hoạt động kinh doanh tại Việt Nam và vẫn là chủ sở hữu đối với hàng hóa hoặc chịu trách nhiệm về chi phí phân phối, quảng cáo, tiếp thị, chất lượng hoặc ấn định giá bán; bao gồm cả uỷ quyền hoặc thuê tổ chức Việt Nam thực hiện một phần dịch vụ;
  4. Tổ chức, cá nhân nước ngoài thông qua tổ chức, cá nhân Việt Nam để thực hiện việc đàm phán, ký kết các hợp đồng đứng tên tổ chức, cá nhân nước ngoài;
  5. Tổ chức, cá nhân nước ngoài thực hiện quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu, phân phối tại thị trường Việt Nam, mua hàng hóa để xuất khẩu, bán hàng hóa cho thương nhân Việt Nam theo pháp luật về thương mại.

>>> Xem thêm: 12 phần mềm kế toán cho công ty xây dựng tốt nhất

2.2 Đối tượng không áp dụng thuế nhà thầu

  1. Tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Dầu khí, Luật các Tổ chức tín dụng;
  2. Tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp hàng hóa cho tổ chức, cá nhân Việt Nam không kèm theo các dịch vụ được thực hiện tại Việt Nam dưới các hình thức: giao hàng tại cửa khẩu nước ngoài, giao hàng tại cửa khẩu Việt Nam;
  3. Tổ chức, cá nhân nước ngoài có thu nhập từ dịch vụ được cung cấp và tiêu dùng ngoài Việt Nam;
  4. Tổ chức, cá nhân nước ngoài thực hiện cung cấp dịch vụ cho tổ chức, cá nhân Việt Nam mà các dịch vụ được thực hiện ở nước ngoài bao gồm: Sửa chữa phương tiện vận tải, máy móc thiết bị; Quảng cáo, tiếp thị (trừ quảng cáo, tiếp thị trên internet); Xúc tiến đầu tư và thương mại; Môi giới bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ ra nước ngoài; Đào tạo (trừ đào tạo trực tuyến); Chia cước dịch vụ, viễn thông quốc tế, dịch vụ thuê đường truyền dẫn, băng tần vệ tinh, dịch vụ bưu chính quốc tế theo Luật viễn thông quốc tế hoặc Luật Bưu chính;
  5. Tổ chức, cá nhân nước ngoài sử dụng kho ngoại quan, cảng nội địa (ICD) làm kho hàng hóa để phụ trợ cho hoạt động vận tải quốc tế, quá cảnh, chuyển khẩu, lưu trữ hàng hoặc để cho doanh nghiệp khác gia công.

3. Đối tượng không áp dụng thuế nhà thầu

Theo Điều 2 Thông tư 103/2014/TT-BTC quy định về đối tượng không áp dụng thuế nhà thầu như sau:

– Tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Dầu khí, Luật các Tổ chức tín dụng.

– Tổ chức, cá nhân nước ngoài thực hiện cung cấp hàng hóa cho tổ chức, cá nhân Việt Nam không kèm theo các dịch vụ được thực hiện tại Việt Nam dưới các hình thức:

+ Giao hàng tại cửa khẩu nước ngoài: người bán chịu mọi trách nhiệm, chi phí, rủi ro liên quan đến việc xuất khẩu hàng và giao hàng tại cửa khẩu nước ngoài;

Người mua chịu mọi trách nhiệm, chi phí, rủi ro liên quan đến việc nhận hàng, chuyên chở hàng từ cửa khẩu nước ngoài về đến Việt Nam (kể cả trường hợp giao hàng tại cửa khẩu nước ngoài có kèm điều khoản bảo hành là trách nhiệm và nghĩa vụ của người bán).

+ Giao hàng tại cửa khẩu Việt Nam: người bán chịu mọi trách nhiệm, chi phí, rủi ro liên quan đến hàng hóa cho đến điểm giao hàng tại cửa khẩu Việt Nam;

Người mua chịu mọi trách nhiệm, chi phí, rủi ro liên quan đến việc nhận hàng, chuyên chở hàng từ cửa khẩu Việt Nam (kể cả trường hợp giao hàng tại cửa khẩu Việt Nam có kèm điều khoản bảo hành là trách nhiệm và nghĩa vụ của người bán).

– Tổ chức, cá nhân nước ngoài có thu nhập từ dịch vụ được cung cấp và tiêu dùng ngoài Việt Nam.

– Tổ chức, cá nhân nước ngoài thực hiện cung cấp dịch vụ dưới đây cho tổ chức, cá nhân Việt Nam mà các dịch vụ được thực hiện ở nước ngoài:

+ Sửa chữa phương tiện vận tải (tàu bay, động cơ tàu bay, phụ tùng tàu bay, tàu biển), máy móc, thiết bị (kể cả đường cáp biển, thiết bị truyền dẫn), có bao gồm hoặc không bao gồm vật tư, thiết bị thay thế kèm theo;

+ Quảng cáo, tiếp thị (trừ quảng cáo, tiếp thị trên internet);

+ Xúc tiến đầu tư và thương mại;

+ Môi giới: bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ ra nước ngoài;

+ Đào tạo (trừ đào tạo trực tuyến);

+ Chia cước (cước thanh toán) dịch vụ, viễn thông quốc tế giữa Việt Nam với nước ngoài mà các dịch vụ này được thực hiện ở ngoài Việt Nam, dịch vụ thuê đường truyền dẫn và băng tần vệ tinh của nước ngoài theo quy định của Luật Viễn thông;

Chia cước (cước thanh toán) dịch vụ bưu chính quốc tế giữa Việt Nam với nước ngoài theo quy định của Luật Bưu chính, các điều ước quốc tế về Bưu chính mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tham gia ký kết mà các dịch vụ này được thực hiện ở ngoài Việt Nam.

– Tổ chức, cá nhân nước ngoài sử dụng kho ngoại quan, cảng nội địa (ICD) làm kho hàng hóa để phụ trợ cho hoạt động vận tải quốc tế, quá cảnh, chuyển khẩu, lưu trữ hàng hoặc để cho doanh nghiệp khác gia công.

4. Người nộp thuế nhà thầu

Người nộp thuế nhà thầu được quy định tại Điều 4 Thông tư 103/2014/TT-BTC như sau:

* Nhà thầu nước ngoài, nhà thầu phụ nước ngoài đảm bảo các điều kiện kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập tại Việt Nam.

Việc kinh doanh được tiến hành trên cơ sở hợp đồng nhà thầu với tổ chức, cá nhân Việt Nam hoặc với tổ chức, cá nhân nước ngoài khác đang hoạt động kinh doanh tại Việt Nam trên cơ sở hợp đồng nhà thầu phụ.

Việc xác định nhà thầu nước ngoài, nhà thầu phụ nước ngoài có cơ sở thường trú tại Việt Nam, hoặc là đối tượng cư trú tại Việt Nam thực hiện theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Thuế thu nhập cá nhân và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Trong trường hợp Hiệp định tránh đánh thuế hai lần mà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ký kết có quy định khác về cơ sở thường trú, đối tượng cư trú thì thực hiện theo quy định của Hiệp định đó.

* Tổ chức được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam, tổ chức đăng ký hoạt động theo pháp luật Việt Nam, tổ chức khác và cá nhân sản xuất kinh doanh:

– Mua dịch vụ, dịch vụ gắn với hàng hóa hoặc trả thu nhập phát sinh tại Việt Nam trên cơ sở hợp đồng nhà thầu hoặc hợp đồng nhà thầu phụ;

– Mua hàng hóa theo hình thức xuất nhập khẩu tại chỗ hoặc theo các điều khoản thương mại quốc tế (Incoterms);

– Thực hiện phân phối hàng hóa, cung cấp dịch vụ thay cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam bao gồm:

+ Các tổ chức kinh doanh được thành lập theo Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư và Luật Hợp tác xã;

+ Các tổ chức kinh tế của các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, đơn vị vũ trang, tổ chức sự nghiệp và các tổ chức khác;

+ Nhà thầu dầu khí hoạt động theo Luật Dầu khí;

+ Chi nhánh của Công ty nước ngoài được phép hoạt động tại Việt Nam;

+ Tổ chức nước ngoài hoặc đại diện của tổ chức nước ngoài được phép hoạt động tại Việt Nam;

+ Văn phòng bán vé, đại lý tại Việt Nam của Hãng hàng không nước ngoài có quyền vận chuyển đi, đến Việt Nam, trực tiếp vận chuyển hoặc liên danh;

+ Tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ vận tải biển của hãng vận tải biển nước ngoài; đại lý tại Việt Nam của Hãng giao nhận kho vận, hãng chuyển phát nước ngoài;

+ Công ty chứng khoán, tổ chức phát hành chứng khoán, công ty quản lý quỹ, ngân hàng thương mại nơi quỹ đầu tư chứng khoán hoặc tổ chức nước ngoài mở tài khoản đầu tư chứng khoán;

+ Các tổ chức khác ở Việt Nam;

+ Các cá nhân sản xuất kinh doanh tại Việt Nam.

5. Các loại thuế áp dụng đối với nhà thầu

Theo Điều 5 Chương 1 Thông tư số 103/2014/TT-BTC ngày 06/08/2014, các loại thuế áp dụng đối với nhà thầu  gồm:

STT Các loại thuế nhà thầu
1 Thuế giá trị gia tăng (GTGT)
2 Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN)
3 Thuế thu nhập cá nhân (TNCN)

Trong đó:

Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài là tổ chức kinh doanh phát sinh doanh thu tại Việt Nam: thực hiện nghĩa vụ thuế GTGT và thuế TNDN;

Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài là cá nhân nước ngoài kinh doanh phát sinh doanh thu tại Việt Nam: thực hiện nghĩa vụ thuế GTGT và thuế TNCN.

6. Các phương pháp tính thuế đối với nhà thầu 

6.1 Nhà thầu nước ngoài là tổ chức kinh doanh

thuế nhà thầu
Hình : Các phương pháp tính thuế đối với nhà thầu nước ngoài là tổ chức

a. Phương pháp kê khai

  • Điều kiện áp dụng (điều kiện 1):

Theo Điều 8 Mục 2 Chương II Thông tư 103/2014/TT-BTC:  Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài nộp thuế theo phương pháp này nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:

1. Có cơ sở thường trú tại Việt Nam, hoặc là đối tượng cư trú tại Việt Nam;

  1. Thời hạn kinh doanh tại Việt Nam theo hợp đồng nhà thầu, hợp đồng nhà thầu phụ từ 183 ngày trở lên kể từ ngày hợp đồng nhà thầu, hợp đồng nhà thầu phụ có hiệu lực;
  2. Áp dụng chế độ kế toán Việt Nam và thực hiện đăng ký thuế, được cơ quan thuế cấp mã số thuế.”

Các loại thuế nhà thầu phải nộp:

  • Nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ;
  • Nộp thuế TNDN trên cơ sở kê khai doanh thu, chi phí để xác định thu nhập chịu thuế TNDN.
  • Như vậy:

Với phương pháp kê khai, Nhà thầu thực hiện kê khai thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ và kê khai thuế TNDN theo quy định của Luật Thuế GTGT, Luật Thuế TNDN và các văn bản hướng dẫn thi hành như một doanh nghiệp ở Việt Nam.

b. Phương pháp trực tiếp

  • Điều kiện áp dụng (điều kiện 2):

Theo Điều 11 Mục 2 Chương II Thông tư 103/2014/TT-BTC:

“Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài không đáp ứng được một trong các điều kiện nêu tại Điều 8 Mục 2 Chương II thì Bên Việt Nam nộp thay thuế cho Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài.”

Tức là Nhà thầu không đáp ứng được một trong các điều kiện của phương pháp kê khai thì Bên Việt Nam có trách nhiệm nộp thuế thay cho Nhà thầu. 

  • Các loại thuế nhà thầu phải nộp:
  • Nộp thuế GTGT theo tỷ lệ %  tính trên doanh thu tính thuế GTGT;
  • Nộp thuế TNDN theo tỷ lệ % tính trên doanh thu tính thuế TNDN.
  • Như vậy:

Bên Việt Nam thực hiện kê khai các loại thuế thay cho Nhà thầu theo mẫu số 01/NTNN – Tờ khai thuế nhà thầu nước ngoài dành cho trường hợp bên Việt Nam khấu trừ và nộp thuế thay cho nhà thầu nước ngoài cho từng lần phát sinh thanh toán tiền cho nhà thầu, nếu thanh toán nhiều lần trong tháng thì có thể đăng ký kê khai theo tháng, và khai quyết toán theo mẫu số 02/NTNN – Tờ khai quyết toán thuế nhà thầu nước ngoài dành cho trường hợp Bên Việt Nam khấu trừ và nộp thuế thay cho nhà thầu nước ngoài khi kết thúc hợp đồng nhà thầu.

c, Phương pháp hỗn hợp

  • Điều kiện áp dụng (điều kiện 3):

Theo Điều 14 Mục 4 và Điều 8 Mục 2 Chương II Thông tư 103/2014/TT-BTC, đối tượng và điều kiện áp dụng phương pháp hỗn hợp là Nhà thầu thỏa mãn các điều kiện:

1 Có cơ sở thường trú tại Việt Nam, hoặc là đối tượng cư trú tại Việt Nam;

  1. Thời hạn kinh doanh tại Việt Nam theo hợp đồng nhà thầu, hợp đồng nhà thầu phụ từ 183 ngày trở lên kể từ ngày hợp đồng nhà thầu, hợp đồng nhà thầu phụ có hiệu lực;
  2. Tổ chức hạch toán kế toán theo quy định của pháp luật về kế toán và hướng dẫn của Bộ Tài chính.
  • Các loại thuế nhà thầu phải nộp:
  • Nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ;
  • Nộp thuế TNDN theo tỷ lệ % tính trên doanh thu tính thuế TNDN.
  • Như vậy:

Với phương pháp hỗn hợp, Nhà thầu thực hiện khai thuế TNDN theo mẫu số 03/NTNN – Tờ khai thuế nhà thầu nước ngoài dành cho nhà thầu nước ngoài trực tiếp nộp thuế TNDN theo tỷ lệ % trên doanh thu tính thuế.

6.2 Nhà thầu nước ngoài là cá nhân kinh doanh

Nhà thầu là cá nhân kinh doanh sẽ phải:

  • Nộp thuế GTGT theo tỷ lệ % tính trên doanh thu tính thuế GTGT;
  • Nộp thuế TNCN theo pháp luật về thuế TNCN. 
  • Khấu trừ thuế GTGT và tính vào chi phí thuế TNDN đối với thuế GTGT và thuế TNDN mà Bên Việt Nam nộp thay cho Nhà thầu 

Thuế nhà thầu mà bên Việt Nam nộp thay được quy định về khấu trừ hay tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế cụ thể như sau:

  • Khấu trừ thuế GTGT nộp thay cho Nhà thầu

Căn cứ điểm 1, khoản 10, Điều 1, Thông tư 26/2015/TT-BTC ngày 27/02/2015:

“10. Sửa đổi, bổ sung Điều 15 (đã được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 119/2014/TT-BTC ngày 25/8/2014 và Thông tư số 151/2014/TT-BTC ngày 10/10/2014 của Bộ Tài chính) như sau:

“Điều 15. Điều kiện khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào

  1. Có hóa đơn giá trị gia tăng hợp pháp của hàng hóa, dịch vụ mua vào hoặc chứng từ nộp thuế giá trị gia tăng khâu nhập khẩu hoặc chứng từ nộp thuế GTGT thay cho phía nước ngoài theo hướng dẫn của Bộ Tài chính áp dụng đối với các tổ chức nước ngoài không có tư cách pháp nhân Việt Nam và cá nhân nước ngoài kinh doanh hoặc có thu nhập phát sinh tại Việt Nam.
  2. Có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt đối với hàng hóa, dịch vụ mua vào (bao gồm cả hàng hóa nhập khẩu) từ hai mươi triệu đồng trở lên, trừ các trường hợp giá trị hàng hóa, dịch vụ nhập khẩu từng lần có giá trị dưới hai mươi triệu đồng, hàng hóa, dịch vụ mua vào từng lần theo hóa đơn dưới hai mươi triệu đồng theo giá đã có thuế GTGT và trường hợp cơ sở kinh doanh nhập khẩu hàng hóa là quà biếu, quà tặng của tổ chức, cá nhân ở nước ngoài.

Chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt gồm chứng từ thanh toán qua ngân hàng và chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt khác hướng dẫn tại khoản 3 và khoản 4 Điều này.”

Vậy, Bên Việt Nam được khấu trừ thuế GTGT nộp thay cho nhà thầu nước ngoài:

  • Được kê khai khấu trừ thuế GTGT đầu vào đối với khoản thuế GTGT nộp thay cho nhà thầu nước ngoài;
  • Và phải có chứng từ nộp thuế GTGT thay cho nhà thầu nước ngoài thì mới đủ điều kiện kê khai khấu trừ thuế GTGT.
  • Tính vào chi phí tính thuế TNDN đối với thuế TNDN nộp thay cho Nhà thầu

Căn cứ điểm 2.37, khoản 2, Điều 4, Thông tư 96/2015/TT-BTC ngày 22/06/2015:

“2. Các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế bao gồm:

… 2.37….; thuế thu nhập doanh nghiệp trừ trường hợp doanh nghiệp nộp thay thuế thu nhập doanh nghiệp của nhà thầu nước ngoài mà theo thỏa thuận tại hợp đồng nhà thầu, nhà thầu phụ nước ngoài, doanh thu nhà thầu, nhà thầu phụ nước ngoài nhận được không bao gồm thuế thu nhập doanh nghiệp;… ”

Như vậy thuế TNDN nộp thay có được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế TNDN hay không được dựa vào doanh thu nhà thầu nhận được là doanh thu gì. Khi trong hợp đồng nhà thầu có quy định doanh thu mà nhà thầu, nhà thầu phụ nước ngoài nhận được không bao gồm thuế TNDN thì số thuế TNDN đã nộp thay cho nhà thầu, nhà thầu phụ nước ngoài được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN. Cụ thể như sau:

  1. Doanh thu chưa bao gồm thuế (doanh thu NET): Thuế TNDN nôp thay nhà thầu được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế TNDN;
  2. Doanh thu đã bao gồm thuế (doanh thu GROSS): Thuế TNDN nộp thay nhà thầu không được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế TNDN;
  3. Doanh thu chưa bao gồm thuế GTGT, đã bao gồm thuế TNDN: Thuế TNDN nộp thay nhà thầu không được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế TNDN.

Ví dụ đối với trường hợp Công ty cổ phần VTC dịch vụ di động, Cục Thuế TP. Hà Nội có công văn 3303/CT-TTHT ngày 22/1/2018 của trả lời về chi phí được trừ đối với khoản thuế nộp hộ nhà thầu nước ngoài như sau:

“Công ty được khấu trừ số thuế GTGT nộp hộ nhà thầu nước ngoài theo quy định tại Khoản 10 Điều 1 Thông tư số 26/2015/TT-BTC. Công ty tổng hợp số thuế GTGT nộp hộ nhà thầu nước ngoài được khấu trừ vào chỉ tiêu [24] trên tờ khai GTGT mẫu 01/GTGT.

Trường hợp theo thỏa thuận tại hợp đồng nhà thầu, doanh thu nhà thầu nước ngoài nhận được không bao gồm thuế TNDN thì khoản thuế TNDN Công ty nộp hộ nhà thầu nước ngoài được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN nếu đáp ứng điều kiện quy định tại Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC.”

Lưu ý: Trường hợp chủ doanh nghiệp, kế toán chưa xác định được rõ trách nhiệm về thuế đối với các loại thuế phát sinh tại doanh nghiệp mình, trong đó có thuế nhà thầu, doanh nghiệp nên làm công văn hỏi rõ Cục, Chi cục Thuế quản lý để có câu trả lời bằng văn bản và theo đó thực hiện tránh những sai sót, rủi ro về thuế dẫn đến các thiệt hại về kinh tế cho doanh nghiệp.

7. Công thức tính thuế nhà thầu

Sau khi hoàn thiện tính thuế nhà thầu, kế toán viên cần thực hiện hạch toán lên sổ. Vì cách tính thuế nhà thầu chia thành ba trường hợp bao gồm:

  • Tính theo giá NET: giá trị hợp đồng chưa bao gồm thuế
Thuế GTGT = Doanh thu tính thuế GTGT x Tỷ lệ % để tính thuế GTGT trên doanh thu
Thuế TNDN = Doanh thu tính thuế TNDN x Tỷ lệ thuế TNDN
  • Tính theo giá GROSS: giá trị hợp đồng bao gồm thuế
Thuế GTGT = Giá trị trên hợp đồng x Tỷ lệ % để tính thuế GTGT trên doanh thu
Thuế TNDN = (Giá trị hợp đồng – thuế GTGT) x Tỷ lệ thuế TNDN
  • Tính theo trị giá hợp đồng chưa bao gồm thuế GTGT (thuế TNDN nhà thầu chịu) 
Thuế GTGT = Doanh thu tính thuế GTGT x Tỷ lệ % để tính thuế GTGT trên doanh thu
Thuế TNDN = Giá trị hợp đồng x Tỷ lệ thuế TNDN

Trong đó, công thức tính doanh thu tính thuế GTGT:

Doanh thu tính thuế = (Giá trị hợp đồng) / (1 – Tỷ lệ % tính thuế GTGT trên doanh thu)

Với mỗi cách tính thuế nhà thầu sẽ có cách hạch toán riêng cho từng trường hợp.

8. Hướng dẫn hạch toán thuế nhà thầu

8.1 Hạch toán công nợ phải trả nhà thầu

Nợ TK 627, 642 : Số tiền trả nhà thầu nước ngoài

  Có TK 331, 112 : Số tiền trả nhà thầu ngước ngoài

8.2 Hạch toán thuế nhà thầu phải nộp

Nợ TK 627, 642 : Thuế TNDN được tính vào chi phí tính thuế TNDN

Nợ TK 811 : Thuế TNDN không được tính vào chi phí tính thuế TNDN

Nợ TK 133 : Thuế GTGT

Có TK 3388 : Thuế nhà thầu phải nộp

8.3 Hạch toán nộp thuế

Nợ TK 3388 : Số tiền nộp thuế nhà thầu

Có TK 111, 112 : Số tiền nộp thuế nhà thầu

8.4 Ví dụ cụ thể trong các trường hợp cơ bản

Giả sử đã xác định được số liệu về giá trị hợp đồng nhà thầu là 100.000.000 đồng. Số thuế TNDN phải nộp của hợp đồng nhà thầu là 9.000.000 đồng, số thuế GTGT phải nộp của hợp đồng nhà thầu là 11.000.000 đồng

  1. Trường hợp giá trị hợp đồng chưa bao gồm thuế GTGT, thuế TNDN (ròng)

Trường hợp này được hiểu là nhà thầu nhận được toàn bộ giá trị hợp đồng. Bên Việt Nam phải chịu mọi loại thuế phát sinh như Thuế TNDN, Thuế GTGT. 

Khi đó việc hạch toán được thực hiện như sau (đơn vị tiền: đồng):

  • Hạch toán công nợ phải trả nhà thầu

Nợ TK 627, 642 : 100.000.000

Có TK 331, 112 : 100.000.000

  • Hạch toán thuế nhà thầu phải nộp

Nợ TK 627, 642 : 9.000.000 (thuế TNDN được tính vào chi phí tính thuế TNDN) 

Nợ TK 133 : 11.000.000

Có TK 3388 : 20.000.000

  • Nộp thuế nhà thầu

Nợ TK 3388 : 20.000.000

Có TK 111, 112 : 20.000.000

  1. Trường hợp giá trị hợp đồng bao gồm thuế GTGT, thuế TNDN (Gross)

Trường hợp này được hiểu là nhà thầu nhận được phần còn lại của giá trị hợp đồng sau khi trừ các khoản thuế, phí ở bên Việt Nam. Bên Việt Nam không chịu mọi loại thuế nhà thầu phát sinh.

Khi đó việc hạch toán được thực hiện như sau (đơn vị tiền: đồng):

  • Hạch toán công nợ phải trả nhà thầu

Nợ TK 627, 642 : 80.000.000

Có TK 331, 112 : 80.000.000

  • Hạch toán thuế nhà thầu phải nộp

Nợ TK 811 : 9.000.000 (thuế TNDN không được tính vào chi phí tính thuế TNDN) 

Nợ TK 133 : 11.000.000

Có TK 3388 : 20.000.000

  • Nộp thuế nhà thầu

Nợ TK 3388 : 20.000.000

Có TK 111, 112 : 20.000.000

  1. Trường hợp giá trị hợp đồng bao gồm thuế TNDN, chưa bao gồm thuế GTGT

Trường hợp này được hiểu là nhà thầu chỉ nhận được giá trị hợp đồng trừ đi thuế TNDN, Bên Việt Nam khấu trừ lại thuế TNDN trước khi thành toán nghĩa vụ công nợ. 

Khi đó việc hạch được thực hiện như sau (đơn vị tiền: đồng):

  • Hạch toán công nợ phải tra nhà thầu

Nợ TK 627, 642 : 91.000.000

Có TK 331, 112 : 91.000.000

  • Hạch toán thuế nhà thầu phải nộp

Nợ TK 811 : 9.000.000 (thuế TNDN không được tính vào chi phí tính thuế TNDN) 

Nợ TK 133 : 11.000.000

Có TK 3388 : 20.000.000

  • Nộp thuế nhà thầu

Nợ TK 3388 : 20.000.000

Có TK 111, 112 : 20.000.000

9. Ví dụ về hạch toán thuế nhà thầu

Giả sử thông tin hợp đồng và có kết quả tính như sau

  • Giá trị hợp đồng: 1000
  • VAT: 90
  • CIT: 110

Hướng dẫn hạch toán:

TH 1: Nếu hợp đồng là NET:

  • Hạch toán công nợ:

Nợ TK 627, 642 1000

Có TK 331 1000

  • Hạch toán thuế VAT và CIT:

Nợ TK 133 90 (Thuế GTGT được khấu trừ)

Nợ TK 627; 642 110 (Thuế TNDN được tính vào CP tính thuế TNDN)

Có TK 3338 200

  • Hạch toán nộp thuế:

Nợ Tk 3338 200

Có TK 112 200

TH2: Nếu hợp đồng là GROSS

  • Hạch toán công nợ và thuế:

Nợ TK 627, 642 800

Nợ TK 811       110 (Thuế TNDN ko được tính vào CP tính thuế TNDN)

Nợ TK 133           90 (Thuế GTGT được khấu trừ)

Có TK 331     800

Có TK 3338     200

  • Hạch toán nộp thuế:

Nợ Tk 3338 200

Có TK 112 200

TH3: Nếu hợp đồng là chưa bao gồm thuế GTGT (Thuế TNDN do nhà thầu chịu)

  • Hạch toán công nợ và thuế:

Nợ TK 627, 642 890

Nợ TK 811       110 (Thuế TNDN ko được tính vào CP tính thuế TNDN)

Nợ TK 133           90 (Thuế GTGT được khấu trừ)

Có TK 331     890

Có TK 3338     200

  • Hạch toán nộp thuế:

Nợ Tk 3338 200

Có TK 112 200

Với bài viết này, Arito hy vọng sẽ giúp các bạn hiểu được về thuế nhà thầu và cách tính cũng như hạch toán chính xác và phù hợp. Chúc các bạn thành công!

Chia sẻ

Bài viết liên quan:

Công nghệ

Giới thiệu phần mềm xử lý hoá đơn điện tử đầu vào tự động ARITO INVOICE

Bạn đang đau đầu với việc xử lý xếp hóa đơn đầu vào chờ ghi sổ. Bạn tốn nhiều thời gian cho việc xử lý thủ công hóa đơn điện tử. Bạn cảm thấy nhàm chán vì phải lặp đi lặp lại nhiều lần các thao tác để chuyển hóa đơn đầu vào của nhà cung cấp qua chứng từ kế toán. Bạn lo lắng vì có thể có sai sót trong quá trình nhập liệu hóa đơn đầu vào. Bạn đang rất cần một giải pháp để có thể xử lý tự động, nhanh gọn, chính xác dữ liệu

tài sản cố định vô hình
Tin trong ngành

Tài sản cố định vô hình là gì? Hướng dẫn cách hạch toán

Tài sản cố định vô hình là một phần không thể thiếu trong hệ thống tài sản của doanh nghiệp hiện đại, đặc biệt khi nền kinh tế đang dịch chuyển mạnh mẽ sang hướng dịch vụ và tri thức. Khác với tài sản cố định hữu hình, tài sản cố định vô hình không có hình thái vật chất, nhưng mang lại giá trị và tiềm năng phát triển lớn cho doanh nghiệp thông qua quyền sở hữu trí tuệ, bản quyền, phát minh, sáng chế, và nhiều loại quyền lợi kinh tế khác. Hiểu rõ các nguyên tắc

sơ đồ quản lý kho
Tin trong ngành

[TẢI NGAY] Mẫu sơ đồ quản lý kho hiệu quả nhất 2024

Việc quản lý kho hàng hiệu quả là nền tảng quan trọng giúp doanh nghiệp vận hành suôn sẻ và tiết kiệm chi phí. Để làm được điều này, các nhà quản lý cần một quy trình khoa học và trực quan, trong đó sơ đồ quy trình quản lý kho đóng vai trò then chốt. Sơ đồ này không chỉ giúp minh bạch hóa các bước trong quá trình nhập kho, quản lý tồn kho, xuất kho và kiểm kê, mà còn hỗ trợ giảm thiểu sai sót và nâng cao năng suất làm việc của kho hàng. Hãy

kế toán quản trị
Tin trong ngành

Kế toán quản trị là gì? Các công việc và kỹ năng cần có

Trong môi trường kinh doanh ngày càng cạnh tranh, vai trò của kế toán quản trị ngày càng trở nên quan trọng đối với các doanh nghiệp. Là đơn vị cung cấp phần mềm kế toán uy tín, Arito hiểu rằng việc thu thập và phân tích thông tin tài chính là nền tảng giúp ban lãnh đạo đưa ra các quyết định sáng suốt, tối ưu hóa nguồn lực và đạt được những mục tiêu chiến lược. Kế toán quản trị không chỉ hỗ trợ trong việc đánh giá và kiểm soát hoạt động, mà còn đóng vai trò

Arito sẽ liên hệ lại quý Anh/Chị ngay!

Arito sẽ liên hệ lại quý Anh/Chị ngay!